Lễ hội đền Gióng là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất của thủ đô Hà Nội, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Tuy nhiên nguồn gốc lễ hội đền Gióng là gì, ý nghĩa ra sao, được tổ chức thế nào thì không hẳn ai cũng rõ. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của website Licham.Online để biết thêm thông tin chi tiết.
1 - Hội Gióng
- Hội Gióng là một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm tại một số nơi ở Hà Nội nhằm gợi nhớ công lao của anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, đã đánh tan quân xâm lược để giành lại độc lập, tự do cho nhân dân đất Việt. Hiện nay, có 2 hội đền Gióng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương khác ở Hà Nội cũng tổ chức lễ hội Gióng như:
- Hội Gióng Bộ Đầu (Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội)
- Hội Gióng làng Đổng Xuyên (huyện Gia Lâm)
- Hội Gióng làng Lệ Chi (huyện Gia Lâm)
- Hội Gióng làng Phù Lỗ Đoài (huyện Sóc Sơn)
- Hội Gióng làng Thanh Nhàn (huyện Sóc Sơn)
- Hội Gióng làng Xuân Lai (huyện Sóc Sơn)
- Hội Gióng Sơn Du (huyện Đông Anh)
- Hội Gióng Cán Khê (huyện Đông Anh)
- Hội Gióng Đống Đồ (huyện Đông Anh)
- Hội Gióng Xuân Tảo (phường Xuân Đỉnh)
- Hội Gióng làng Hội Xá (quận Long Biên)
2 - Lễ hội đền Gióng Sóc Sơn
2.1 - Nguồn gốc hình thành lễ hội đền Gióng Sóc Sơn
- Tương truyền rằng, Thánh Gióng sau khi đánh tan quân xâm lược ngài từ Sóc Sơn lập tức bay về trời, hôm ấy là ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Từ đó dân nhân Sóc Sơn đã lập đền thờ và tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của Thánh Gióng.
2.2 - Ý nghĩa lịch sử
- Hội Gióng Sóc Sơn đã tái hiện lại những chiến thắng huy hoàng của Thánh Gióng cùng quân và dân Văn Lang với giặc Ân. Qua đó giúp mỗi người dân Việt Nam hiểu thêm về lịch sử, văn hóa và truyền thống dân tộc. Mặc dù Thánh Gióng là nhân vật hư cấu, tuy nhiên nhờ đó cổ vũ, khích lệ tinh thần của quân và dân ta trong bao công cuộc dựng nước và giữ nước.
- Tháng 11 năm 2010, hội Gióng đền Sóc Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Đồng thời lễ hội Gióng còn là dịp quảng bá những nét đẹp trong văn hóa, tổ chức lễ hội của nhân dân Hà Nội đến với thế giới.
3 - Thời gian và địa điểm tổ chức hội Gióng đền Sóc Sơn
- Hội Gióng đền Sóc Sơn được tổ chức tại đền Gióng thuộc chân núi Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Nơi đây là một quần thể di tích lịch sử bao gồm đền Trình, chùa Non Nước, đền Thượng, đền Mẫu, chùa Đại Bi, hòn đá Chồng, nhà bia và tượng đài Thánh Gióng được làm bằng đồng.
- Ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại xã Phù Linh, người dân nô nức chuẩn bị cho lễ khai hội. Lễ hội Gióng Sóc Sơn được tổ chức trong 3 ngày từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng thì chính thức kết thúc hội. Tuy nhiên trước đó người dân và chính quyền nơi đây cũng mất nhiều ngày cho công tác chuẩn bị.
4 - Hội Gióng đền Sóc Sơn diễn ra thế nào?
4.1 - Phần lễ
- Hội Gióng đền Sóc Sơn bao gồm nhiều nghi lễ trang trọng như lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, lễ dâng hoa tre lên đền Thượng. Trước khi lễ hội chính thức khai mạc, người dân từng thôn tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng theo sự phân công của xã. Trong đó thôn Vệ Linh sẽ đảm nhận phần rước giò hoa tre, thôn Dược Thượng sẽ đảm nhận phần rước voi giấy, thôn Đan Tảo sẽ đảm nhận phần rước trầu cau, thôn Đức Hậu sẽ đảm nhận phần rước ngà voi, thôn Yên Sào sẽ đảm nhận phần rước cỏ voi, thôn Yên Tàng sẽ đảm nhận phần rước tướng, thôn Phù Mã sẽ đảm nhận phần rước ngụa Gióng và thôn Xuân Dục sẽ đảm nhận phần rước cầu húc.
- Lễ Dục Vọng được tiến hành vào đêm mùng 5 rạng sáng mùng 6 Tết với hi vọng dân chúng được ấm no, nhà nhà hạnh phúc. Mùng 6 là ngày khai hội với lễ khai quang, tượng Thánh Gióng sẽ được dân làng cẩn thận lau rửa. Sau đó đến nghi lễ dâng hoa tre, chém tướng giặc Ân (Được biết Thánh Gióng đã dùng tre để đánh bại quân xâm lược). Nghi lễ dâng hoa tre kết thúc, tất cả tre sẽ được tung ra sân, người dân tranh nhau lấy, bởi hoa tre là biểu tượng của may mắn và cát lành.
- Ngày mùng 7 sẽ là tiết mục chém tướng giặc được biểu diễn bởi thôn Yên Tàng, đồng thời có màn tái hiện Thánh Gióng chém chết 3 tên tướng giặc Ân và sau đó bay về trời.
- Ngày mùng 8, ngày cuối cùng của lễ hội Gióng, dân làng cùng nhau hóa những mô hình voi giấy, ngựa giấy để Thánh Gióng có ngựa bay về trời. Tất cả mọi người cùng nhau khiêng voi và ngựa đến bờ sông để thực hiện nghi lễ hóa vàng.
4.2 - Phần hội
- Song song với thời gian tổ chức những nghi lễ trang trọng trong đền Gióng, phía bên ngoài người dân và du khách cũng có cơ hội trải nghiệm, chiêm ngưỡng những tiết mục văn nghệ, những màn ca hát ca trù, hát chèo từ đoàn chèo thành phố, hay có thể khám phá những trò chơi dân gian như chọi gà, cờ tướng vô cùng sôi động.
5 - Những địa điểm tham quan hội Gióng đền Sóc Sơn
5.1 - Đền Trình
- Điểm đến đầu tiên khi tới hội Gióng là đền Trình, khi bước qua cổng là có thể nhìn thấy ngôi đền Trình thờ sơn thần. Tượng sơn thần được làm bằng đồng nguyên khối vô cùng tỉ mỉ và tinh xảo. Phía ngoài đền Trình là cây đa cổ thụ bên hồ nước, tạo nên khung cảnh yên bình, thanh tĩnh.
5.2 - Chùa Đại Bi
- Chùa Đại Bi có kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn của những triều đại phong kiến.
5.3 - Đền Mẫu
- Đền Mẫu là khu vực thờ phụng thân mẫu của Thánh Gióng. Phía ngoài là một giếng nước trong mát được đặt tên là giếng mẫu.
5.4 - Đền Thượng
- Đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng có vị trí ngay dưới chân núi Vệ Linh, nơi Thánh Gióng đánh bại 3 tên tướng giặc Ân và bay về trời. Phía trong là Đại Bái và Hậu cung. Nhà Đại Bái bao gồm những hoành phi, câu đối được sơn son thiếp bạc, Hậu cung có bức tượng Thánh Gióng.
5.5 - Nhà bia
- Một trong những nét độc đáo tại đền Gióng là nhà bia được xây dựng bằng đá phiến có tuổi thọ lâu đời.
5.6 - Tượng Thánh Gióng
- Trên đỉnh núi Đá Chồng là tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa cao sừng sững, hiên ngang được đúc bằng đồng có khối lượng lên đến 85 tấn. Du khách có thể lên đỉnh núi thăm quan từ những lối đi ven sườn núi.
5.7 - Chùa Non Nước
- Đi qua tuợng Thánh Gióng là ngôi chùa Non Nước cổ kính. Phía trong là tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng, là nơi vô cùng linh thiêng, luôn được người dân và du khách thập phương đến đây cúng lễ cầu bình an, cầu may mắn.
6 - Kết luận
- Lễ hội Gióng Sóc Sơn là một trong những lễ hội truyền thống lớn của xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội được diễn ra vào dịp đầu xuân năm mới hàng năm. Đây không chỉ là lễ hội nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó của người dân địa phương mà còn nhằm quảng bá những nét văn hóa truyền thống, những hình ảnh đẹp của Hà Nội và những danh lam thắng cảnh của đất nước Việt Nam.
Qua bài viết trên phần nào đã giúp quý độc giả có thêm kiến thức về hội Gióng đền Sóc Sơn. Cảm ơn quý độc giả đã luôn yêu mến và đồng hành cùng website Licham.Online của chúng tôi trong suốt thời gian qua!